Trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số
Chiều ngày 14/7/2022, tại trụ sở 778 Nguyễn Kiệm, Trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số.
Tọa đàm có sự tham dự của các khách mời: Ông Đoàn Đại Phong - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions), Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Giám đốc trung tâm giải pháp miền Nam Viettel Solutions, Ông Nguyễn Tuấn Hoa - cố vấn cao cấp Công ty cổ phần Đầu tư thương mại & phát triển công nghệ FSI.
Về phía Lãnh đạo nhà trường, có sự hiện diện của PGS.TS. Hồ Thủy Tiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐT; PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng; TS. Lê Trung Đạo - Phó Hiệu trưởng cùng các lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Trường tham dự trực tiếp và trực tuyến qua hệ thống MS Teams.
PGS. TS. Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS. TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng nhấn mạnh chuyển đổi số là vấn đề tất yếu đối với các trường đại học hiện nay. Nếu không thực hiện chuyển đổi số đồng nghĩa với chậm bước tiến, có nguy cơ tụt hậu, không còn sức cạnh tranh trên thị trường rất khốc liệt trong lĩnh vực giáo dục. Với góc độ đó, trong các Nghị quyết của Đảng ủy, của Hội đồng trường, chiến lược phát triển Trường, bằng mọi cách đẩy mạnh chuyển đổi số với kỳ vọng đến năm 2025 Trường có bước tiến vượt bậc, tất cả hoạt động của nhà trường đều dựa trên nền tảng số. Tuy nhiên, còn một số vấn đề đặt ra là quá trình đầu tư này có mang lại hiệu quả ngay không, việc chuyển đổi số có tác động như thế nào đến đội ngũ giảng viên, viên chức Trường. Vấn đề đầu tư không quan trọng bằng là nâng cao nhận thức của toàn thể viên chức, người lao động thuộc Trường. Nhà trường mong muốn các chuyên gia, đơn vị tư vấn chia sẻ, trao đổi để nhận thức đúng đắn, rõ ràng đơn giản các vấn đề liên quan chuyển đổi số.
ThS. Trần Minh Tùng, Trưởng phòng CNTT trình bày nội dung: “Các yêu cầu chuyển đổi số của Trường Đại học Tài chính - Marketing giai đoạn 2021 - 2030”
ThS. Trần Minh Tùng cho biết Trường đã có Nghị quyết về chuyển đổi số (CĐS) của Hội đồng Trường giai đoạn 2021-2030, ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo CĐS và Tổ Chuyên gia tư vấn CĐS, đã xây dựng và nghiệm thu Đề án CĐS, trong đó có 3 đề án nhánh. Trường đã dự thảo các nội dung triển khai Đề án CĐS và đang chuẩn bị các thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư và đăng ký vốn đầu tư trung hạn theo quy định. Trường cũng chưa có kinh nghiệm cần tư vấn trình tự triển khai và lập dự án về CĐS theo quy định luật đầu tư công và Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về quản lý dự án CNTT, mong nhận được góp ý, tư vấn của các chuyên gia để triển khai CĐS kịp thời và mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc trung tâm giải pháp miền Nam Viettel Solutions chia sẻ nội dung “Lộ trình chuyển đổi số cho Trường Đại học - Hàm ý cho Trường Đại học Tài chính - Marketing”
Ông Tuấn nhấn mạnh có 3 trụ cột chính là Quản trị vận hành quyết định sự thành bại của 1 tổ chức, có hệ thống quản trị vận hành tối ưu sẽ giúp giảm nguồn nhân lực và tăng hiệu suất; Các mô hình giảng dạy học tập; và mô hình nghiên cứu.
Phương pháp tiếp cận của Viettel là “tối ưu hành trình trải nghiệm của sinh viên”, xem sinh viên là khách hàng, cụ thể có phương pháp giúp sinh viên tìm kiếm thông tin, có dịch vụ hỗ trợ, sinh viên tương tác cộng đồng và trải nghiệm học tập. Viettel tư vấn CĐS dựa trên hành trình trải nghiệm của sinh viên, Viettel đề ra 10 bước gồm: nhận biết học ở đâu, cân nhắc học ngành gì, ghi danh, định hướng, hỗ trợ học thuật, cuộc sống, tương tác cộng đồng, hướng nghiệp,…
Ông cũng đề cập các bước thực hiện CĐS như sau: Bước 1 là Phân tích, đánh giá hiện trạng CNTT, mức độ trưởng thành số của nhà trường, khảo sát đánh giá quy trình nghiệp vụ; tiếp đến bước 2 là Xác định chiến lược định hướng chuyển đổi, thiết kế các giải pháp triển khai. Bước khởi đầu là bước quan trọng nhất, muốn CĐS là phải phân tích, đánh giá, khảo sát. Trường sẽ là chủ đầu tư, chủ trì đầu mối làm việc với các đơn vị, tập đoàn Viettel là nền tảng, là đơn vị tư vấn triển khai, và tận dụng tri thức của các nhà tư vấn, chuyên gia.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt cho rằng những chia sẻ của đại diện tập đoàn Viettel đã gợi mở ra rất nhiều vấn đề về nhận diện CĐS. CĐS rất gần gũi, thực tế, gắn với hành trình sinh viên, quá trình làm việc của giảng viên. CĐS không chỉ là bỏ ra chi phí, mà phải tạo ra doanh thu, ít nhất là tăng gấp đôi.
TS. Nguyễn Tuấn Hoa, Cố vấn cao cấp công ty cổ phần Đầu tư thương mại & phát triển công nghệ FSI chia sẻ nội dung “Bối cảnh chuyển đổi số của Việt Nam và chia sẻ mô hình Đại học số”
Ông Nguyễn Tuấn Hoa cho biết mọi hoạt động trong nhà trường phải theo một quy trình. Ông đề xuất phương pháp thực hiện chuyển đổi số cụ thể: Một là, Phân rã chi tiết mọi quy trình đến nguyên công: nguyên công nào giao cho con người, nguyên công nào giao cho máy. Hai là, Thiết kế cơ chế tự động thông minh ở mức nguyên tố: sử dụng các cơ chế, công nghệ để tạo ra cơ chế tự động thông minh (CPS). Các chuyên gia chuyên ngành sử dụng công cụ số để tạo ra cơ chế tự động thông minh trong việc dạy học, quản lý. Ông cũng đề cập nên áp dụng 7 nguyên lý hoạt động của kinh tế số trong Trường: Hoạt động liên hệ thống, Phi tập trung hóa, Ảo hóa, Module hóa, Theo thời gian thực, Hướng dịch vụ, Đóng gói tri thức.
Chuyển đổi số sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới và yêu cầu mới. Yêu cầu đào tạo liên ngành là vô cùng quan trọng, Trường cần có chiến lược liên kết với những trường có chuyên ngành khác để đào tạo ra sinh viên am hiểu nhiều ngành, có kỹ năng số. Cần thay đổi phương thức đào tạo: đào tạo truyền thống có cấu trúc thay đổi, đào tạo ngành nghề liên ngành và xuyên ngành, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Với vấn đề Thầy Phạm Tiến Đạt đặt ra “khi làm chuyển đổi số, cách thức chuyển học liệu số như thế nào?”, TS Nguyễn Tuấn Hoa giải đáp quá trình này cần có công cụ để thực hiện. Trường chuẩn bị tư liệu, đơn vị chuyển đổi số sẽ chuyển thành dữ liệu số. Ông Đoàn Đại Phong, Viettel Solutions cho biết việc xây dựng học liệu số từ bài giảng phiên bản thực tế đến phiên bản số là hoàn toàn làm được. Giảng viên chỉ chuẩn bị bài giảng, công ty chuyển đổi số sẽ hỗ trợ thực hiện từ ghi hình, biên tập, ra sản phẩm.
Để giải đáp ý kiến của TS. Trương Thành Công có ý kiến: “Để chuyển đổi số cần phải xác định Trường đang ở giai đoạn nào, cần có đơn vị đo lường, như vậy triển khai thang đo như thế nào? Trường áp dụng thang đo đó như chỉ tiêu, xem đạt được tới mức độ nào rồi?”. Ông Đoàn Đại Phong, Viettel Solutions trả lời có 6 miền đánh giá chính: Khách hàng; Chiến lược của đơn vị: chiến lược số như thế nào; Quản trị nhân lực, tài chính, Vận hành hệ thống CNTT, quy trình nghiệp vụ; Văn hóa, con người; Áp dụng công nghệ 4.0 (AI, Big Data, tự động hóa); Dữ liệu. Mỗi miền có nhiều tiêu chí, mỗi tiêu chí có thang đo đánh giá. Ông cũng cho biết Chuyển đổi số là hành trình chưa thấy điểm kết thúc, phải liên tục đánh giá, cải tiến.
Phát biểu ý kiến của các thầy cô tham dự Tọa đàm
PGS. TS. Hồ Thủy Tiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐT phát biểu tại Tọa đàm
TS. Nguyễn Văn Vẹn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng phát biểu tại Tọa đàm
TS. Trương Thành Công, Trưởng khoa Công nghệ thông tin phát biểu tại Tọa đàm
TS. Hoàng Thái Hưng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu tổng kết tại Tọa đàm, PGS. TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng đánh giá cao những chia sẻ, trao đổi ngày hôm nay, khẳng định tự tin bước vào công cuộc chuyển đổi số. Trên cơ sở ý kiến của bên Viettel, nhờ tập đoàn Viettel hỗ trợ nhà trường trong việc khảo sát. Nhà trường đã thực hiện 3 đề án: Đánh giá tổng thể hạ tầng CNTT và giải pháp đầu tư tổng thể hạ tầng CNTT, Đánh giá tổng thể hiện trạng các phần mềm hiện hữu và nhu cầu xây dựng hệ thống quản trị và công tác chuyên môn, và Đề án chuyển đổi số trong đó nêu rõ các lộ trình triển khai. Nhà trường có quan điểm đầu tư phải hiệu quả, thấy được kết quả ít nhất là sau 1 năm. Nhà trường mong muốn tập đoàn Viettel cũng như các chuyên gia hỗ trợ tư vấn cho Nhà trường để thực hiện ngay chuyển đổi số, cần có lộ trình, kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn. Trên cơ sở đề xuất của nhà Trường, phía công ty Viettel có nghiên cứu, kế hoạch với nhà trường để đồng hành trong công việc chuyển đổi số.
Lãnh đạo Trường và các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm