Nổi bậtUFM tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững”
Ngày 25/5/2022, trường Đại học Tài chính – Marketing đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững” nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản ở Việt Nam hiện nay. Từ đó có đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững thị trường bất động sản, tạo nguồn thu từ đất đai, và hoàn thiện thể chế.
Hội thảo có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Thị Cành, Cố vấn khoa học, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và tài chính, Trường Đại học Kinh tế - Luật Tp Hồ Chí Minh; Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản; Ông Hà Minh Trí, Phụ trách phòng Khách hàng, chi nhánh Ngân hàng Vietcombank; Bà Phan Thị Quỳnh Trang, Trưởng phòng tại Chi nhánh Sài Gòn, NH Woori Việt Nam; Ông Lê Quốc Tuấn, phụ trách kinh doanh của tập đoàn Vingroup và tham dự trực tuyến: TS Phan Hiển Minh, Cục Thuế TP.HCM; Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Bất động sản Cát Linh.
Về phía lãnh đạo nhà trường, có sự hiện diện của PGS.TS Hồ Thủy Tiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐT; PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó hiệu trưởng cùng các lãnh đạo Phòng, Khoa, Viện, Trung tâm, các thầy cô giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Tiến Đạt nhấn mạnh, nếu một thị trường bất động sản phát bền vững thì sẽ mang lại nguồn lực tài chính vô cùng to lớn cho nền kinh tế - xã hội nói chung và cho thu Ngân sách Nhà nước nói riêng. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Tài chính đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến nguồn thu, khai thác nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu từ bất động sản. Làm sao đưa các vấn đề giao dịch bất động sản về trạng thái những giao dịch theo nguyên tắc thị trường và đảm bảo tính trung thực hợp lý, để từ đó nguồn thu của Nhà nước gia tăng. Theo Báo cáo của Tổng cục Thuế cũng như Cục thuế các Tỉnh, trong 4 tháng vừa qua, nguồn thu từ các vấn đề liên quan Bất động sản đã gia tăng. Tuy nhiên, cùng với đó trong giai đoạn vừa qua, sự tăng giá bất động sản một cách bất thường, đặc biệt ở các địa phương mà thu nhập của người dân không cao, điều này cho thấy chưa có tính bền vững lâu dài. Vậy phải làm gì để tạo ra thị trường bất động sản phát triển bền vững? Hội thảo hôm nay nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững thị trường BĐS, tăng cường sự quản lý, điều tiết của nhà nước từ Trung ương đến địa phương
Hội thảo nhận được nhiều tham luận từ các chuyên gia, nhà quản lý
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐSTPHCM chia sẻ tham luận “Thực trạng thị trường bất động sản tại Việt Nam và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững”
Ông cho biết thị trường bất động sản phải hướng tới 4 mục tiêu: minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững. Điều đó có lợi cho nền kinh tế đất nước và có lợi cho người dân. Đối với thị trường bất động sản Việt nam, vấn đề hàng đầu là giải quyết nhu cầu nhà ở cho số đông người dân trong xã hội, người có thu nhập thấp. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội thí điểm thực hiện nợ xấu của các Tổ chức tín dung, Nghị quyết này chỉ áp dụng trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo. Đề nghị luật hóa Nghị quyết 42 về cho chuyển nhượng. Có 3 quy luật hình thành nên giá: quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quan hệ cung – cầu; và còn tâm thế thị trường, tâm thế của các bên giao dịch tại thời điểm giao dịch. Vấn đề vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua chính là vướng mắc trong thể chế pháp luật. Kiến nghị tháo gỡ thể chế, kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh.
GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM trình bày tham luận “Tạo nguồn lực tài chính từ đất đai: những vấn đề liên quan đến định giá, quy hoạch và đầu tư”
GS.TS Nguyễn Thị Cành cho hay chính sách tác động đến nguồn thu nhiều nhất là định giá đất. Giá đất của nhà nước hiện nay chưa phù hợp và sát với giá đất thị trường, cần rà soát lại khung giá đất và điều chỉnh định kỳ hoặc đột xuất phù hợp hơn, bám sát diễn biến quan hệ cung cầu thị trường. Những vấn đề nổi bật liên quan đến Luật Quy hoạch là sử dụng đất và cơ cấu sử dụng đất chậm thay đổi. Một vấn nạn lớn nữa là đầu tư quy hoạch treo kéo dài qua nhiều năm, đất không được đưa vào sử dụng gây lãng phí tạo ra nhiều “dự án ma”, thất thu cho Ngân sách Nhà nước như Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa của TP.HCM kéo dài đến hơn 30 năm. Sự phân cấp quy hoạch, quản lý đất đai chưa thống nhất, tạo ra những tiêu cực và bất ổn trong xã hội.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản trình bày tham luận “Nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát và phát triển đội ngũ môi giới để phát triển thị trường bất động sản việt nam theo hướng bền vững”
Bà Phan Thị Quỳnh Trang, Ngân hàng Woori Việt Nam, chi nhánh Sài Gòn chia sẻ “Chính sách cho vay để phát triển thị trường BĐS Việt Nam”
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phụ trách Khoa Tài chính – Ngân hàng trình bày tham luận “Chính sách Thuế thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản Việt Nam”
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Linh đưa ra một số đề xuất đổi mới chính sách thuế đối với bất động sản. Thay đổi cơ cấu thu thuế, trong đó tăng thuế đối với tài sản là điều cần thiết. Ngoài ra, nên bổ sung 1 số loại thuế hiện nay mà thị trường VN còn thiếu như thuế thu nhà, bổ sung sắc thuế Giá trị đất tăng thêm hay sát nhập 2 thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thay thế Lệ phí trước bạ bằng Luật thuế đăng ký tài sản cho phù hợp thực tiễn.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Thuế-hải quan trình bày “Nguồn tài chính cho thị trường bất động sản”
TS Nguyễn Văn Thuận có những kiến nghị như thị trường BĐS cần chỉnh lại dòng tiền, để có thể phát triển bền vững hơn; Quy hoạch đảm bảo pháp lý, công bố rõ ràng, có kiểm soát tốt trong những hoạt động quy hoạch. Về thị trường trái phiếu: trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định giao dịch trái phiếu riêng lẻ, có tạo điều kiện nới lỏng hơn, dễ dàng hơn cho việc phát triển thị trưởng trái phiếu nhưng vì do sức nóng của thị trường BĐS nên việc phát hành trái phiếu quá tràn lan và quy mô quá lớn nên xảy ra rủi ro, vì thế cần siết lại, đề nghị trong bản công bố thông tin trái phiếu ghi rõ mục đích sử dụng và lộ trình giải ngân đồng vốn so với kế hoạch, báo cáo định kỳ 3-6 tháng (NĐ 153 không đề cập). Bộ Tài chính cần có bộ phận theo dõi, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh chính sách liên tục, hi vọng rằng thị trường BĐS, thị trường tài chính đồng hành phát triển bền vững
PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng khoa TĐG-KDBĐS trình bày tham luận “Xu hướng sử dụng và phát triển đất đai vùng hồ tại Việt Nam - Nhìn từ kinh nghiệm thế giới”
Rất nhiều cơ hội cho cá nhân, tập đoàn đầu tư kinh doanh BĐS phát triển vùng hồ. Về mặt Quản lý Nhà nước, có thể khẳng định Việt Nam có lợi thế lớn trong cạnh tranh phát triển đô thị vùng hồ, vì thế cần chính sách tổng thể và dài hạn, đặc biệt tránh những “vết xe đổ” của phát triển vùng biển để tạo ra tính bền vững cho vùng hồ ở Việt Nam.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi từ các nhà khoa học, nhà quản lý từ doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, đặc biệt quan tâm đến vấn đề đất đai như quy hoạch đất, xác định giá đất, sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
TS. Phan Chung Thủy, Đại học Kinh tế TP.HCM UEH trao đổi ý kiến: Các chính sách đưa ra không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường mà còn phải bảo tồn vấn đề về môi trường. Trong các quy định, thể chế trong tương lai cần lắng nghe hơn nữa kênh từ phía nhà đầu tư, người dân với nhu cầu thực sự của họ như nhu cầu về bảo toàn giá trị, nhu cầu về đầu tư, nhu cầu gia tăng giá trị cho cá nhân, cho mỗi hộ gia đình, cụ thể là lắng nghe thông qua nhà môi giới. Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ, có chính sách tạo điều kiện ứng dụng công nghệ.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Hồ Thủy Tiên cho biết, để phát triển thị trường cần nhiều chính sách. Chính sách Thuế hiện nay nhiều bất cập, giá Bất động sản nói chung để tính thuế như thế nào, giá Nhà nước đưa ra với giá thị trường có sự chênh nhau rất lớn. Vậy làm sao xác định giá phù hợp để tính thuế? Không xác định rõ dẫn tới tính nghiêm minh của pháp luật không được thực thi, không công bằng cho các chủ thể, không đảm bảo được nguồn thu. Cần xem lại Chính sách tín dụng cho thị trường BĐS. Cần làm rõ vai trò của cơ quan quản lý trong việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Để bảo vệ nhà đầu tư, các công ty phát hành trái phiếu phải là công ty chất lượng, được xếp hạng tín nhiệm. Về công tác nguồn lực, PGS.TS. Hồ Thủy Tiên cho biết Trường sẽ lưu ý đào tạo nhân lực về lĩnh vực Bất động sản đáp ứng nhu cầu thị trường.
PGS.TS Hồ Thủy Tiên nhấn mạnh “Giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững” được tổ chức mang tính cấp thiết, kịp thời và có ý nghĩa với nhiều ý kiến được trao đổi trực tiếp tại hội thảo từ các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan Quản lý Nhà nước,… Ban tổ chức sẽ nghiên cứu, tổng hợp báo cáo khuyến nghị chính sách gửi đến các cơ quan quản lý, trước hết là Bộ tài chính để có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn trong công tác quản lý, xây dựng, triển khai các chính sách phát triển bền vững thị trường bất động sản ở Việt Nam.
Hồng Trang, Thành Nam