Nổi bậtUFM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chất lượng và trách nhiệm xã hội trong công tác Giáo dục quốc phòng và an ninh”
Sáng ngày 02/12/2023, Trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Chất lượng và trách nhiệm xã hội trong công tác Giáo dục quốc phòng và an ninh”. Hội thảo nhằm thảo luận, nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy - học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) cho sinh viên các Trường trên cả nước nói chung và UFM nói riêng.
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của Thiếu tướng, TS. Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ GDQP&AN, Bộ GD&ĐT; Thiếu tướng, PGS.TS.NGƯT Vũ Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Huệ; Đại tá Nguyễn Thành Nhân, Chính ủy lữ đoàn 167, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải Quân cùng các nhà khoa học, các thầy cô là lãnh đạo Trường, lãnh đạo bộ môn GDQP&AN của các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Về phía UFM có sự hiện diện của TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng cùng các thầy cô lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các thầy cô giảng viên, viên chức thuộc Trường.
TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng UFM phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng UFM nhấn mạnh, Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần hình thành ở sinh viên các phẩm chất, năng lực thực hiện mục đích giáo dục cao cả toàn diện chính là khơi dậy và nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ, tăng cường khối đại đoàn kết, củng cố vững chắc niềm tin của sinh viên vào Đảng và Nhà nước. Bồi dưỡng và nâng cao kiến thức về Giáo dục quốc phòng và an ninh là một nhiệm vụ quan trọng, giúp sinh viên ý thức đoàn kết dân tộc và không ngừng phấn đấu học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 69 bài viết khoa học của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các giảng viên trong và ngoài trường. Qua quá trình phản biện, Ban biên tập đã chọn được 50 bài có chất lượng tốt để xuất bản kỷ yếu khoa học của Hội thảo. Nội dung kỷ yếu tập trung vào 3 chủ đề chính: Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác Giáo dục quốc phòng và an ninh; Trách nhiệm xã hội trong công tác Giáo dục quốc phòng và an ninh; Tự chủ đào tạo môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Đại biểu cũng đã được lắng nghe 4 bài tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo với nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa.
Tham luận Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDQP&AN trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Đại tá, TS. Bùi Thanh Đàm, Trường Đại học Nguyễn Huệ
Tham luận Quan điểm của Đại hội XIII về an ninh phi truyền thống và một số nhiệm vụ đặt ra đối với công tác giảng dạy quốc phòng và an ninh hiện nay. Đại úy, ThS. Nguyễn Chí Thành, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
Tham luận Trường Đại học Tài chính – Marketing chặng đường 10 năm tự chủ đào tạo môn học GDQP&AN (2013 – 2023). ThS. GVC. Hồ Trung Nghi, Trường Đại học Tài chính – Marketing
Tham luận Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên trong giáo dục quốc phòng - an ninh. ThS. Đặng Văn Khoa, Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi xoay quanh nội dung chính trong chủ đề: “Chất lượng và trách nhiệm xã hội trong công tác Giáo dục quốc phòng và an ninh”. TS. Đỗ Đại Thắng, Giám đốc Trung tâm GDQP&AN – ĐHQG TP.HCM đánh giá cao tính cấp thiết của Hội thảo trong tình hình hiện nay và nêu ra một vài khó khăn đang gặp phải khi giảng dạy môn học này như bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học cần có bằng thạc sĩ, nhưng môn GDQP&AN chưa mở được mã ngành thạc sĩ GDQP&AN gây khó khăn trong việc bổ nhiệm. Hiện tại cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập phục vụ cho môn GDQP&AN còn hạn chế, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên được TS. Dương Ngọc Trưởng, Trưởng khoa GDQP&AN trường Đại học Sài Gòn trao đổi. ThS. Bùi Thị Thiện, Trưởng phòng GDQP&AN trường Đại học Văn Lang cho rằng, cần ban hành chuẩn rèn luyện cho sinh viên môn GDQP&AN, cần có hướng dẫn hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nữa để nâng cao công tác GDQP&AN. Dưới góc nhìn của người học, sinh viên Nguyễn Phan Thanh Hiền của UFM chia sẻ, môn GDQP&AN rất hay và ý nghĩa đối với sinh viên, các thầy cô đã cố gắng truyền đạt những bài giảng hay, ý nghĩa để hun đúc lòng yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc và rèn luyện nề nếp, kỷ luật cho sinh viên. Nhưng bên cạnh đó, môn học này vẫn còn những hạn chế dễ làm sinh viên chán nản do kiến thức chính trị, quân sự khô khan.
Thiếu tướng, TS. Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ GDQP&AN, Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Thiếu tướng, TS. Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ GDQP&AN, Bộ GD&ĐT đánh giá cao công tác tổ chức Hội thảo, hàm lượng khoa học và những đóng góp ý kiến thực tế từ đại biểu. Thiếu tướng cũng thông tin thêm, Vụ GDQP&AN, Bộ GD&ĐT đang tham mưu, đề xuất các phương án để giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện tại của các cơ sở giáo dục khi giảng dạy môn học này. Đồng thời, yêu cầu các giảng viên khi dạy môn GDQP&AN đừng quá cứng nhắc, dạy làm sao cho sinh viên dễ nhớ, dễ hiểu và rèn luyện được sự kỷ luật, ý thức về yêu nước, sự tự hào, tự tôn dân tộc. Nội dung giảng dạy bám sát thực tế, thực tiễn linh hoạt, uyển chuyển phù hợp từng đối tượng để chất lượng công tác GDQP&AN được nâng cao hơn nữa.
Có thể nói, thời gian qua công tác GDQP&AN đã có những thành công nhất định nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của thủ trưởng các đơn vị và của Vụ GDQP&AN, Bộ GD&ĐT. Những ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ được tổng hợp để kiến nghị lên các cơ quan cấp trên nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giảng dạy và học tập môn GDQP&AN.
Hồng Quân, Khánh Vy, Lê Dũng